7 CÁCH SƠ CỨU SAI BÉT MÀ NGƯỜI VIỆT NÀO CŨNG THUỘC LÒNG
7 cách sơ cứu sai bét mà người Việt nào cũng thuộc lòng
Sơ cứu là kiến thức mà chúng ta nên học hỏi và nắm vững nhất trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nắm đúng những cách sơ cứu không phải ai cũng biết, đừng nghe những lời truyền miệng để dẫn đến hậu quả nặng hơn. Dưới đây là 7 cách sơ cứu sai bét mà chúng ta nằm lòng nên thay đổi!
Sai lầm 1: Sát khuẩn vết thương xây xát bằng oxy già, cồn xoa bóp, i-ốt hoặc betadine
Theo các chuyên gia, đúng là các vết thương cần được làm sạch, nhưng không phải bằng các chất khử trùng như vừa kể vì những cách đó không hề có hiệu quả, thậm chí còn làm nghiêm trọng hơn vấn đề. Những bọt sủi lên khi dùng oxy già trông thì giống như bạn đang diệt được vi trùng nhưng thật ra thứ đang bị diệt lại là những nguyên bào sợi của chính cơ thể bạn, là những tế bào da đang chịu trách nhiệm làm lành vết thương. Còn cảm giác rát khi dùng cồn? Những mô khỏe mạnh của bạn đang bị tổn thương.
>> Xem thêm: Những thực phẩm kiêng ăn khi có vết thương hở
Cách sơ cứu đúng:
Cách làm đúng trong trường hợp này là hãy chỉ dùng nước sạch. Bạn hãy mở nước chảy dội trên vết thương và rửa sạch, nếu vẫn thấy chảy máu, bạn hãy ấn lên vết thương để giảm chảy máu. Sau khi đã rửa sạch vết thương, bạn có thể bôi một chút kem kháng sinh lên đó - dù cũng không có bằng chứng cho thấy việc này có thể ngăn nhiễm trùng nhưng ít nhất có thể tạo nên một lớp màng bảo vệ, sau đó bạn băng hờ lại hoặc cứ để vết thương được thoáng. Cơ thể bạn sẽ huy động các tế bào bạch cầu đến và bắt đầu cơ chế tự liền lại.
Sai lầm 2: Ngửa đầu ra sau để ngăn chảy máu cam
Dù được khá nhiều người thực hiện nhưng thực tế là việc ngửa đầu ra sau như vậy sẽ chỉ khiến máu trôi xuống họng bạn chứ không ngăn máu chảy.
Cách sơ cứu đúng:
Cách làm đúng trong trường hợp này là bạn vẫn giữ đầu thẳng để làm giảm áp lực máu lên các mạch ở mũi, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ bóp cả hai cánh mũi lại trong khoảng 15 phút, trong thời gian đó bạn thở bằng miệng. Sau 15 phút, bạn bỏ tay ra, nếu vẫn thấy máu chảy thì lại bóp thêm 15 phút nữa. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam sẽ tự hết, nhưng nếu sau 30 phút máu vẫn chảy, hoặc bạn bị chảy máu cam sau khi bị tai nạn, hãy gọi bác sĩ.
Sai lầm 3: Cho rằng phòng cấp cứu gần nhất là tốt nhất
Rõ ràng là khi bị gì đó, ai cũng muốn gặp bác sỹ càng sớm càng tốt, nhưng đôi khi sẽ tốt hơn nếu bạn đi xa hơn 10-15 phút.
Cách sơ cứu đúng:
Chẳng hạn nếu bạn phải đi cấp cứu vì bệnh tim, tốt nhất hãy đến thẳng bệnh viện nơi bác sĩ có chuyên môn uy tín và có đủ trang thiết bị thay vì đến trạm xá phường.
Sai lầm 4: Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) bằng cách luân phiên đè ép ngực với hồi sức thổi hơi qua miệng.
Các chuyên gia khuyên bạn hãy quên chuyện áp miệng đi, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ giờ đây chỉ đề nghị mọi người thực hiện sơ cứu bằng tay, vì nghiên cứu về CPR đã cho rằng khoảng thời gian bạn không thực hiện xoa bóp ngực càng nhiều thì càng không tốt cho bệnh nhân.
Cách sơ cứu đúng:
Cách làm đúng trong trường hợp này là khi trông thấy ai đó gặp nạn, đầu tiên bạn hãy tìm mạch ở cổ của họ. Nếu không tìm thấy mạch, hãy bắt đầu đè ép ngực ngay lập tức trong khi bảo người khác gọi cấp cứu. Bạn hãy nhấn bàn tay phần gần cườm tay lên ngực người gặp nạn, bàn tay còn lại đặt lên trên, mỗi lần ấn xuống khoảng 5cm, khoảng 100 lần/phút.
Sai lầm 5: Di chuyển người bị tai nạn giao thông
Dù bạn hay thấy… trên phim người ta làm vậy, và bạn thật sự muốn cứu người nhưng đây là việc hại nhiều hơn lợi. Một trong những chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt sau tai nạn giao thông, là chấn thương ở cổ, và việc di chuyển người gặp nạn không đúng cách khi này có thể khiến họ bị liệt.
Cách sơ cứu đúng:
Cách làm đúng trong trường hợp này là hãy gọi ngay cấp cứu, trong lúc chờ đợi thì đảm bảo người gặp nạn hít thở đều và được thoải mái nhất, trấn an để giúp họ bình tĩnh chờ người có chuyên môn đến giúp.
Sai lầm 6: Uống thuốc giảm đau, hạ sốt vô tội vạ
Nhiều người có ấn tượng rằng những loại thuốc không cần đơn thì không nguy hiểm bằng những loại thuốc phải có đơn mà không biết rằng ngộ độc do dùng quá liều acetaminophen (khi chữa những bệnh thông thường như đau đầu, cảm sốt) là một trong những dạng ngộ độc phổ biến, thường gặp nhất.
Cách sơ cứu đúng:
Tất nhiên khi bị đau, bạn đừng cố chịu mà hãy dùng thuốc vì đã có bằng chứng cho thấy việc kiểm soát, giảm nhẹ cơn đau trong nhiều trường hợp sẽ giúp bạn hồi phục tốt hơn. Chỉ là bạn hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nghe theo lời khuyên của bác sỹ, dược sỹ và dùng đúng liều.
Sai lầm 7: Buộc garô để ngăn chảy máu
Việc buộc garo có thể giảm tình trạng chảy máu, nhưng là do bạn đã ngăn máu lưu thông đến khu vực này, và do đó cũng làm tăng nguy cơ làm tổn thương và thậm chí hoại tử phần cơ thể đó.
Cách làm đúng trong trường hợp này là ngoại trừ tình huống chi bị đứt lìa và người bị thương chảy máu rất nhiều dẫn đến mau chóng lả đi, còn không thì bạn hãy chỉ dùng gạc hoặc khăn sạch, ấn giữ trên vết thương rồi đưa người bị thương đi cấp cứu.
Sơ cứu là bước quan trọng để quyết định sức khỏe sau này của người bị thương. Hãy nắm rõ kiến thức để việc sơ cứu bệnh nhân được an toàn nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét