NHỮNG MÓN NGÂM CHUA NGỌT CHO NGÀY TẾT

 

Những món ngâm chua ngọt không thể thiếu trong ngày Tết

Có vô vàn món nhậu ngày Tết nhưng có thể nói các món ngâm chua ngọt lại được cái bà nội trợ ưa chuộng để làm vào dịp này nhất. Tại sao? Đơn giản vì chỉ tốn thời gian, công sức làm một lần mà có thể dùng cho cả tuần Tết ăn nhậu tẹt ga.

Cooky xin chia sẻ cho các mẹ cách làm các món ngâm chua ngọt ngày Tết ngon không thể cưỡng lại. Đảm bảo các vị khách nhà bạn sẽ hỏi ngay bí kíp đấy nhé!

1. Cách làm hành tím ngâm chua ngọt

Hành tím ngâm chua ngọt là món ngâm đơn giản vào ngày Tết. Hành tím ngâm đủ vị chua, cay, mặn, ngọt thường được ăn kèm với các món có nhiều vị béo để chống ngấy.

Nguyên liệu làm hành tím chua ngọt

Hành tím

Đường trắng

Tỏi

Ớt

Muối

Giấm

Nước vo gạo



Ngâm hành tím với nước vo gạo khoảng 1 tiếng để giảm độ hăng của hành. Sau đó vớt ra bóc vỏ, cắt cuống hành. Tỏi bóc vỏ từng tép, ớt cắt cuống để nguyên trái. Nấu nước giấm ngâm bằng cách cho tất cả nguyên liệu còn lại vào nấu đến khi đường tan thì tắt bếp để nước giấm nguội hẳn. Xếp hành tím, tỏi, ớt trái vào hũ thủy tinh xen kẽ sao cho đẹp mắt rồi đổ nước giấm vào. Để từ 3 ngày đến 1 tuần là có thể ăn được.

2. Cách làm củ kiệu ngâm đường

Củ kiệu thường chúng ta hay ngâm giấm, ngâm nước mắm hoặc ngâm chung với dưa món. Năm nay các chị thử làm củ kiệu ngâm đường vừa đơn giản lại kích thích vị giác cho cả gia đình luôn nhé.

Nguyên liệu làm củ kiệu ngâm đường

Củ kiệu

Đường trắng

Bột mì



Củ kiệu mua về ngâm vào nước muỗi loãng để qua đêm, sau đó gọt sạch lớp màng bên ngoài và rửa lại với nước. Để ráo thì cho củ kiệu trộn đều với bột mì (có tác dụng làm kiệu trắng hơn). Sau đó lại tiếp tục xả kiệu qua nước sạch nhiều lần. Đem phơi kiệu ngoài nắng để kiệu dịu hơn. Chuẩn bị hũ thủy tinh/nhựa sạch, cho một lớp kiệu một lớp đường đến khi hết. Để nói thoáng khoảng 10-15 ngày là dùng được.

3. Cách làm tai heo ngâm chua ngọt

Tai heo là sựa lựa chọn hoàn hảo cho món ngâm vào dịp Tết, món này cũng là một trong những món nhậu truyền thống của các mẹ. Vậy xem cách làm tai heo ngâm chua ngọt dưới đây có gì khác so với cách làm của từng mẹ nhé.

Nguyên liệu làm tai heo ngâm chua ngọt

Tai heo

Đường trắng

Giấm táo

Gừng

Ớt

Tỏi



Tai heo mua về sơ chế sạch bằng giấm, gừng rồi đem luộc chín. Nấu nồi nước: 1 lít nước với giấm, đường và tỏi đập dập đến khi đường tan thì tắt bếp, để nguội. Cho tai heo vào hũ thủy tình rồi đổ nước giấm vào ngâm (chú ý nén chặt tai heo xuống không được trồi lên để tai heo được thấm) khoảng 4-5 ngày là dùng được.

4. Cách làm thịt heo ngâm nước mắm

Thịt heo ngâm nước mắm (thịt heo ngâm mắm) là món mà các mẹ hay chọn ngâm vào ngày Tết. Món này ngâm đơn giản mà lại để được lâu, mỗi lần có khách đến nhà là chỉ cần cắt lát mỏng ra đĩa và thêm vài ba cái nĩa là đã có món nhắm với bia mời khách rồi nhé.

Nguyên liệu làm thịt heo ngâm nước mắm

Thịt heo

Nước nắm

Đường trắng

Hạt tiêu sọ


Thịt heo rửa sạch, cắt khổ vuông lớn rồi lấy dây buộc chặt thịt. Đem luộc thịt chín như bình thường. Nấu nước mắm theo công thức: một chén nước mắm + 1 chén đường. Khi bắc nước mắm và đường lên bếp phải để nhỏ lửa, khuấy liên tục cho đường nhanh tan, không sít nồi, nước mắm sôi lên là tắt bếp ngay (vì nước mắm rất dễ sôi trào) rồi mở lửa lại rất nhỏ, lại khuấy đều cho đến khi tan hết đường. Sau đó cho thịt heo vào hũ, dùng lạt tre ràng thịt lại, đổ nước mắm vào cao hơn mặt thịt 5cm.

Để qua một tuần hay cho đến khi phần mỡ trở trong là ăn được. Có thể để quanh năm với điều kiện đừng bao giờ để thịt nổi lên khỏi mặt nước mắm. Không cất hũ thịt trong tủ lạnh phần mỡ sẽ không trở trong và giòn.

5. Cách làm chân giò ngâm nước mắm

Thường vào dịp Tết chân giò hay được nấu măng, ít ai dùng chân giò ngâm nước mắm. Vậy năm nay thì sao, nhà bạn có muốn đổi mới mồi Tết không? Món chân giò ngâm nước mắm mới lạ sẽ khiến các vị khách phải tấm tắc khi ăn đấy.

Nguyên liệu làm chân giò ngâm nước mắm

Thịt chân giò heo

Đường trắng

Nước mắm

Ớt trái

Tỏi

Tiêu

Hạt nêm



Thịt chân giò heo cạo sạch lông, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, dùng dao rọc lấy xương bên trong, chú ý là không để miếng thịt bị nát. Rắc tiêu, hạt nêm, tỏi cắt nhỏ lên miếng thịt chân giò. Cuộn tròn lại, dùng dây buộc chặt rồi cho vào nồi nước, luộc chín. Nấu nước mắm: Cho nước mắm, đường trắng và 1 chén nước vào nồi, nấu nhỏ lửa, khuấy đều đến khi đường tan hết, để nguội. Cho thịt giò heo vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước mắm, đường ở bước 3 vào. Thêm hạt tiêu, ớt và để khoảng 2 ngày là dùng được.

6. Cách làm chân gà ngâm sả tắc

Món nhậu ngày Tết không được bỏ qua chân gà ngâm sả tắc này được. Chân gà giòn, đậm đà, có vị chua chua của tắc, cay nhẹ của ớt và thơm của gừng. Nhâm nhi món này cùng gia đình, bạn bè bên bữa tiệc thật đã.

Nguyên liệu làm chân gà ngâm sả tắc

Chân gà

Trái tắc

Sả

Ớt

Đường trắng

Nước mắm

Gừng

Giấm

Rượu



Chân gà làm sạch, cắt bỏ móng, đập dập và chẻ đôi không đứt hết từng chân gà. Cho vào rượu và gừng ngâm rửa sạch bằng nước một lần nữa. Băm nhỏ đầu sả và ớt, đập dập gừng, cắt sợi phần sau cây sả, tắc cắt lát mỏng. Tiếp theo cho phần sả sợi, gừng đập dập và gà vào nồi, thêm nước nấu chín gà khoảng 10 phút rồi vớt ra cho vào thau nước đá để giữ độ giòn của chân gà. Nấu nước ngâm bằng cách cho các nguyên liệu nước, giấm, đường, nước mắm vào nồi, nấu đến sôi tan đường thì tắt bếp. Cho ớt, sả và đến khi nguội rồi cho tắc vào để không bị đắng. Cho gà vào hộp sẵn, đổ nước mắm vừa nấu vào đậy kín. Để qua hôm sau là có thể ăn ngay được luôn nhé.

7. Cách làm bắp bò ngâm nước mắm

Bắp bò ngâm nước mắm chua ngọt là món nhậu hay được dọn ra vào ngày Tết, mẹ nào chưa từng làm món này thì có thể tham khảo món bắp bò ngâm nước mắm dưới đây nhé.

Nguyên liệu làm bắp bò ngâm mắm mặn

Bắp bò

Đường trắng

Nước mắm

Giấm

Tỏi

Ớt trái

Gừng

Hoa hồi

Tiêu xanh



Tỏi bóc vỏ, ớt rửa sạch, cắt nhỏ cả 2. Bắp bò rửa sạch, để nguyên miếng. Cho bắp bò vào nồi cùng nước, gừng cắt mỏng, tỏi đập dập, luộc chín khoảng 30 phút. Vớt bắp bò ra tô, để nguội. Pha nước mắm: Cho đường trắng, nước mắm, giấm, 1 chén nước vào nồi, bắc lên bếp, nấu nhỏ lửa khoảng 10-15 phút đến khi đường tan hết. Cho bắp bò đã luộc, tỏi, ớt, tiêu xanh vào hũ thủy tinh. Đổ hỗn hợp nước mắm đã nấu, để nguội vào, ngập mặt bắp bò. Để món ăn khoảng 5-7 ngày là có thể dùng được.

8. Cách làm gân bò ngâm chua ngọt

Tết năm nay bạn sẽ đãi khách món nhắm nào. Món gân bò ngâm chua ngọt thì sao nhỉ? Gân bò giòn có vị chua nhẹ, được dùng kèm với ngó sen, cà rốt, hành khô ăn chống ngán, rất hấp dẫn các vị khách viếng thăm nhà bạn đấy.

Nguyên liệu làm gân bò ngâm chua ngọt

Gân bò

Giấm

Muối

Hành tím

Cà rốt

Ngó sen

Đường trắng

Ớt trái



Gân bò rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch, cho vào nồi luộc khoảng 30-45 phút. Sau đó đậy kín nắp nồi để gân bò tiếp tục chín mềm. Để nguội, cắt thành từng lát vừa ăn. Hành tím bóc bỏ vỏ khô bên ngoài. Ngó sen rửa sạch, dùng tay tước làm đôi. Cà rốt gọt vỏ, cắt thành từng lát tròn nhỏ. Trộn vào thau cà rốt muối, đường, ướp khoảng 30 phút, sau đó dùng tay sạch vắt thật ráo nước. Pha hỗn hợp nước ngâm chua ngọt gồm 1 phần đường, 1 phần nước lọc, 1 phần giấm. Hòa tan đường với nước lọc để đường tan, sau đó cho từ từ dấm vào. Nêm hỗn hợp nước pha hơi chua chua, ngọt dịu. Cho tất cả hỗn hợp gồm củ hành, ngó sen, cà rốt, gân bò vào lọ sạch, cho thêm nước pha vào lọ, thêm ớt quả. Để nơi thoáng mát từ 4 đến 5 ngày là có thể dùng được.

Năm nay nhà bạn sẽ làm các món ngâm chua ngọt nào mời khách đầu ăn vậy. Cùng chia sẻ các món nhắm và kinh nghiệm để các mẹ có món đãi khách hoàn hảo nhé!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến