PHÂN BIỆT CÁC LOẠI RAU CỦ VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

 Phân biệt các loại rau củ Việt Nam và Trung quốc thông dụng từ cái nhìn đầu tiên

Việc đi chợ sẽ dễ dàng hơn nhiều lần nếu bạn biết được cách phân biệt những loại rau củ Việt Nam và Trung Quốc thông dụng như gừng, hành, tỏi, cà chua, khoai tây, súp lơ, hành tây,...Bài viết này sẽ giúp các bà nội trợ bớt đau đầu hơn trong việc làm sao đảm bảo được sức khỏe trong bữa cơm hằng ngày của gia đình mình.

1. Gừng Việt Nam và gừng Trung Quốc



Gừng Việt Nam có phần vỏ ngoài không đẹp lắm, thường còn dính lại đất, vỏ hơi nhăn, không căn bóng, đôi lúc sẽ có rễ bên ngoài củ. Kích cỡ gừng thường không to, có nhiều nhánh con. Khi cắt gừng, phần trong lõi có nhiều xơ, dậm màu và thơm nồng. Gừng Việt Nam khi để lâu ngày sẽ càng héo khô lại nhưng không thối, thời gian bào quản khoảng 2 tuần.



Gừng Trung Quốc có kích thước khá to, căng tròn, ít nhánh nhỏ, vỏ bóng dễ bong tróc. Bề ngoài củ thường sạch sẽ và có màu vàng sáng. Khi cắt gừng, phần lõi bên trong rất ít xơ, màu vàng nhạt giống gừng non và ít cay thơm. Nếu để lâu, loại gừng này sẽ úng và thối rã dần sau khoảng 1 tuần.


2. Hành tây Việt Nam và hành tây Trung Quốc



Gỏi gà hành tây ăn ngon mê ly

Bề ngoài hành tây Việt Nam thường có màu vàng trắng, phần ruột trắng ngần. Hành tây Việt Nam thường có lớp vỏ mỏng, không có độ bóng, hơi sần, khô ráp. Trọng lượng khá nhẹ, không nặng tay bằng hành tây Trung Quốc.



Hành tây Trung Quốc có vỏ màu vàng thẫm, sáng bóng. Kích thước củ to dài và đều nhau. Bên trong ruột hành tây Trung Quốc có màu trắng hơi ngả sang màu xanh, khi cắt ngang thường đẫm nước nên cầm rất chắc và nặng tay.


3. Tỏi Việt Nam và tỏi Trung Quốc



Tỏi ngâm giấm trắng giòn

Tỏi Việt Nam củ to nhỏ không đồng đều, thường chỉ bằng 1/2 đến 1/3 củ tỏi Trung Quốc. Tỏi Đà Lạt có màu tím nâu, riêng tỏi Lý Sơn có màu trắng tự nhiên, khó bóc. Các tép tỏi nhỏ và không đồng đều, đầu tép tỏi chụm khít vào nhau. Tỏi Việt Nam có vị cay nồng đặc trưng, hương thơm dễ chịu.



Tỏi Trung Quốc củ to, đồng đều. Lớp vỏ được tẩy trắng, có màu trắng hơi ngã vàng , bóng và dày nhưng giòn và dễ bóc. Các tép tỏi to, không chụm đầu lại hoàn toàn vào nhau mà hơi xòe ra, tép tỏi phình to, số lượng tép tỏi ít. Tỏi Trung Quốc ít thơm, có vị hăng the.


4. Hành tím Việt Nam và hành tím Trung Quốc



Hành tím Việt Nam có kích thước vừa và nhỏ. Một củ có nhiều tép con, đầu hành còn dài và chắc khỏe. Vỏ thường rất dày và khó lột. Hành tím Việt Nam có mùi thơm và nồng cay đặc trưng. Thời gian bảo quản lâu, thường héo đi chứ không úng.



Hành tím Trung Quốc thường to tròn, vỏ căng bóng, mỏng và rất dễ lột, dạng củ đơn. Mùi thơm không đậm. Thời gian bảo quản ngắn, dễ úng thối.


5. Cà rốt Việt Nam và cà rốt Trung Quốc



Cà rốt Việt Nam có cùi, cuống lá thường còn xanh, đôi lúc có rễ tỏa bao quanh củ, đuôi củ nhọn. Kích thước củ nhỏ, có màu vàng nhạt, kích thước không đều nhau, không căng láng. Khi ăn, cà rốt Việt Nam có vị rất ngọt, thanh tự nhiên.



Cà rốt Trung Quốc không cùi, lá thường được tỉa gọn hay cắt sạch sẽ, đuôi tròn, màu cam đậm, tươi sáng, vỏ bóng. Kích thước to, suôn và khá đều. Ăn có vị ngọt kém.


6. Khoai tây Việt Nam và khoai tây Trung Quốc



Khoai tây Việt Nam có củ tương đối nhỏ, củ to nhỏ không đều nhau, mắt khoai tây thường rất nông. Vỏ khoai thường mỏng, dính nhiều đất đỏ, bị trầy xước trong quá trình thu hoạch.



Khoai tây Trung Quốc có củ to và suông dài, đều nhau, mắt khoai tây sâu húm. Vỏ khoai màu vàng tươi, sáng bóng, dày và ít bị trầy xước. Khoai tây Trung quốc thường được ngụy trang bằng cách cách bôi qua đất đỏ nhưng khi rửa sạch, vỏ vẫn sáng bóng và không trầy xước.

7. Bí đỏ Việt Nam và bí đỏ Trung Quốc



Bí đỏ Việt Nam khá nhỏ, da sần sùi, hình dáng gần giống như hồ lô, có phần trên, dưới và phần thắt eo rõ ràng.



Giống bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước gấp đôi, gấp 3 bí đỏ Việt Nam. Quả dài, vỏ bóng và đẹp hơn. Phần trên dài ra tạo nên hình dáng dài của quả bí.


8. Súp lơ Việt Nam và súp lơ Trung Quốc



Trái lại với những loại củ quả phía trên, súp lơ Việt Nam có kích thước lớn hơn súp lơ Trung Quốc. Phần thân dài và to, còn lá xanh. Phần hoa to và nở đều, chia thành những bông cải nhỏ, màu sắc xanh tươi nhưng không thẫm.



Súp lơ Trung Quốc thường có kích thước nhỏ hơn, phần thân nhỏ và ngắn, không còn lá xanh. Hoa màu xanh thẫm, khít nhau, không nở đều.


9. Cải thảo Việt Nam và cải thảo Trung Quốc



Cải thảo Việt Nam rất dễ phân biệt nhờ màu sắc trắng xanh rất nhạt màu. Bắp cải tròn trịa, những bẹ cải sát nhau, cầm lên có cảm giác nặng tay.



Cải thảo của Trung Quốc có phần đầu lá màu xanh đậm rất khác cải thảo nước ta. Thân cải to, thon dài nhưng các bẹ cải thưa nhau, cầm lên có cảm giác bổng xốp không chắc tay.


10. Cà chua Việt Nam và cà chua Trung Quốc



Cà chua Việt Nam có hình dáng thuôn dài hoặc dẹt, không quá tròn đều. Phần cuống và đài trái còn xanh, bám chắc trên trái. Vỏ ngoài không quá sặc sỡ và bóng, đôi lúc có phần nám và chín không được đồng đều.



Cà chua Trung Quốc có khuôn trái tròn trịa, đều nhau, trái to. Vỏ cà chua bóng mịn căng tròn, đỏ tươi đều đặn từng trái. Tuy nhiên phần cuống thường héo hoặc đã rụng cuống. Nhất là cà chua Trung Quốc rất mau thối rửa.

Đây là cách phân biệt 10 loại rau củ quả Việt Nam và Trung Quốc thông dụng đơn giản nhất để giúp việc đi chợ hằng ngày của bạn thêm dễ dàng hơn. Hãy là một người tiêu dùng thông minh để đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến